E.Learning là viết tắt của từ “electronic learning”, nghĩa là thực hành sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo ra trải nghiệm học tập. Các hoạt động trong eLearning được điều khiển bởi hệ thống LMS (Learning Managemenet System), giúp quản lý các khóa học trực tuyến, phân phối tài liệu và cho phép sự tương tác nhất định giữa người dạy và người học.
MỤC LỤC
Liên quan đến ứng dụng eLearning trong đào tạo tạo doanh nghiệp, 77% các công ty của Mỹ sử dụng đào tạo trực tuyến năm 2017. Họ nhận thấy eLearning có thể giúp giảm đáng kể thời gian đào tạo nhân viên tới 40-60%, cho phép nhân viên dành nhiều thời gian hơn để tập trung hoàn thành công việc của họ. Bên cạnh ưu điểm về tiết kiệm thời gian, eLearning còn góp phần tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ trên 2.500 công ty cho thấy khi các nhà tuyển dụng chi 1.500 đô la trên mỗi nhân viên mỗi năm cho đào tạo, họ đạt được sự cải thiện về tỷ suất lợi nhuận khoảng 24%.
Một số các doanh nghiệp tầm cỡ trên thế giới đã ứng dụng hình thức eLearning trong đào tạo nhân sự cho công ty. Shell, một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dầu khí của Hà Lan, đã thành lập cổng thông tin học tập trực tuyến phục vụ nhu cầu đào tạo nhân viên tên gọi “Shell Open University”, bao gồm các chủ đề về thương mại và kỹ thuật. Nhân viên có quyền truy cập không giới hạn vào các khóa học trực tuyến, webcast, sách điện tử và hướng dẫn, quy định của công ty. Tương tự, tập đoàn Toyota của Nhật Bản cũng ứng dụng eLearning để đào tạo các công nhân kỹ thuật và kỹ sư từ năm 2005 [3]. eLearning mang lại một số ưu điểm so với đào tạo truyền thống. Thứ nhất, eLearning giúp tiết kiệm chi phí đào tạo vì số lượng người học đối với nội dung mỗi bài học không bị giới hạn. Thứ hai, học viên chủ động hơn với việc học của bản thân. eLearning mang đến sự linh hoạt về thời gian, sự tiện lợi về hình thức học tập khi học viên có thể học trên nhiều loại thiết bị điện tử, tài liệu được lưu trữ trên hệ thống, giúp người học có thể tra cứu bất cứ khi nào có nhu cầu. Cuối cùng, học viên được phép điều chỉnh tốc độ học thông qua hình thức “microlearning (chia nhỏ bài học thành nhiều phần và học khi có thời gian rỗi), giúp dễ tiếp thu kiến thức và giảm áp lực thời gian so với hình thức đến lớp học cùng nhiều người.
Tại Việt Nam, hình thức học trực tuyến tuy khá mới mẻ, nhưng đã thể hiện sự tăng trưởng vượt trội. Một số doanh nghiệp Việt đã thử nghiệm triển khai eLearning trong việc đào tạo kỹ năng và kiến thức cho nhân viên.
Tiêu biểu trong quá trình áp dụng đào tạo trực tuyến là các ngân hàng. Năm 2010, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã quyết định đầu tư hệ thống eLearning phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, kỹ năng quản trị, kỹ năng mềm… cho các nhân sự ngân hàng. Hệ thống hoạt động trên mã nguồn mở Moodle cung cấp các tính năng cơ bản của LMS; cho phép người dùng tùy chỉnh thêm các chức năng khác theo nhu cầu học tập. Hệ thống này cũng góp phần giúp BIDV tiết kiệm chi phí đầu tư trong giai đoạn đầu. Sau BIDV, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến mang tên SCB eLearning vào tháng 4 năm 2016. Các khóa học trực tuyến tại SCB có thể kể đến như văn hóa giao tiếp công sở, sản phẩm thẻ, kỹ năng quản lý thời gian, v.v….
Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thử nghiệm phương pháp đào tạo eLearning từ tháng 7/2018, hoạt động trên hệ thống LotusLMS. Các khóa học hiện có trên nền tảng eLearning của EVN gồm “Văn hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, “Khóa học thực hành 5S”, “Khóa học cơ cấu tổ chức EVN”… Nội dung đào tạo do nội bộ EVN biên soạn hoặc mua bản quyền từ các tổ chức đào tạo trong nước và quốc tế. Hệ thống LotusLMS cho phép ghi nhận chi tiết hành vi và lộ trình học của người dùng và báo cáo đến quản trị viên, có diễn đàn để người học tương tác, các kì thi trực tuyến được tổ chức công khai và nhanh chóng nhờ sử dụng ngân hàng đề thi lưu trữ.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp eLearning dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm dự báo khoảng 20.2% trong giai đoạn 2019-2023. Một số nhân tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng này gồm: gia tăng số lượng người dùng Internet, nỗ lực của chính phủ trong việc phát triển eLearning tại Việt Nam, xu hướng áp dụng công nghệ hiện đại của người học và việc sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến ngày càng tăng của khu vực doanh nghiệp.
Mặc dù là một xu hướng thời thượng, nhưng những bước đi đầu tiên trong việc đầu tư hệ thống eLearning tại doanh nghiệp gặp không ít trở ngại. eLearning hứa hẹn sẽ trở thành lựa chọn thông minh khi doanh nghiệp muốn đổi mới phương thức đào tạo, nhưng tính hiệu quả của hoạt động này cũng cần thời gian để đánh giá, cải thiện. Bởi không thể phủ nhận một số bất lợi của hình thức đào tạo eLearning, như việc thiếu tính tương tác thực tế giữa giảng viên và học viên. Đối với một số đối tượng, sự sụt giảm các hoạt động giao tiếp thực tế về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các kỹ năng xã hội, năng lực cảm xúc, hành vi con người. Hoạt động học tập trực tuyến diễn ra trong môi trường dễ gây phân tâm, xao nhãng, đòi hỏi một thái độ tự giác, kỷ luật lớn của mỗi cá nhân người học. Đối với hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp, một số chủ đề về kỹ thuật, quy trình có thể dễ dàng “số hoá”, nhưng nhiều hoạt động liên quan đến phát triển con người, kỹ năng mềm, chăm sóc tinh thần, gắn kết tổ chức… lại đòi hỏi tương tác thực tế để đem lại trải nghiệm thực sự.
Đó là chưa kể đến chi phí đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khá cao, cần nguồn tài liệu học tập chất lượng để đưa lên kho học liệu của hệ thống, yếu tố bảo mật thông tin và an toàn về bản quyền học liệu cũng là điều cần cân nhắc trong việc quản lý các hệ thống này. Chọn số hoá nội dung nào, đánh giá chất lượng đầu ra thế nào cho hiệu quả… là bài toán mà từng doanh nghiệp phải dành thời gian để giải quyết, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách tối ưu, cũng là góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.